Đất và người miền Tây đang phải đối mặt với đợt hạn hán khủng khiếp nhất trong hơn một thế kỷ qua. Người khô rang, đất khô rang, cây cối cháy rụi, những hình ảnh khốc liệt ấy khiến bất cứ ai cũng xót xa.
Và mùa hạn hung hãn đã gom hết nắng đổ xuống nơi này...
"Nhắn ai đi về miền đất phương Nam. Trời xanh, mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang..." những câu hát quen thuộc về mảnh đất trù phú phía trời Nam luôn gợi cho chúng ta về một xứ sở xinh đẹp có những con sông đầy ắp phù sa, những cánh đồng phì nhiêu bát ngát, cò bay thẳng cánh và cả tình người hồn hậu, chân quê.
Thế nhưng nếu có dịp ghé thăm miền Tây những ngày gần đây, bạn sẽ bất chợt nao lòng khi chứng kiến sự tàn phá mạnh mẽ thiên nhiên đã và đang thách thức đất và người nơi đây. Sau một thời gian dài không có mưa, các con kênh nội đồng đều đã cạn nước, cộng với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nên các cánh đồng lâm vào tình trạng khô cằn nứt nẻ, cây lúa đang vào độ trổ bông cũng vì vậy mà chết khô.
Đợt hạn hán lịch sử kéo dài từ tháng 9 âm lịch năm trước đã khiến hàng chục ngàn hecta lúa của người nông dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ lâm vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Chú Quang (57 tuổi, Tiền Giang) cho biết hạn hán kéo dài khiến người nông dân đứng ngồi không yên. Với người nông dân, mảnh ruộng chính là nồi cơm của cả gia đình, vì vậy nếu vụ mùa này không cứu được thì họ chắc chắn sẽ lao đao về kinh tế.
Những cánh đồng lúa bạt ngàn đang độ trổ bông bỗng chốc cháy khô, vàng úa cả một vùng đất rộng. Nhìn cảnh tượng này, không ít người nông dân rơi nước mắt vì công sức cả vụ mùa đều tan thành mây khói.
Cô Loan (Tiền Giang) cố gắng mót lại phần lúa còn tận dụng được để đem về cho gà vịt ăn.
Người đàn ông tên Tuấn đứng trên bờ ruộng, lặng nhìn những cánh đồng mà lòng nặng trĩu. Ông nói với chúng tôi, hôm nay là ngày cuối cùng ông và vợ ra thăm ruộng, rồi dọn dẹp máy móc đem vào cất, vì tất cả cố gắng cứu ruộng lúa đã thất bại.
"Vài hôm nữa khi cánh đồng này khô hết, chính tay tôi sẽ châm lửa đốt hết những đám lúa này, đốt cả mồ hôi, nước mắt của những tháng ngày vừa qua" - ông Tuấn nói mà lòng đau như cắt.
Gia đình ông Tuấn (57 tuổi) và bà Nga (56 tuổi) ngụ tại ấp Cầu Xây, xã Kiễng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, là một trong những hộ gia đình gánh chịu thiệt hại nặng nề trong đợt hạn hán kéo dài lịch sử ở miền Tây.
Gần 2 hecta ruộng lúa của gia đình ông Tuấn đều khô héo vì thiếu nước trầm trọng.
Đã hơn 5 tháng nay, trời chưa đổ một trận mưa nào xuống mảnh đất này. Các con kênh nội đồng, dần dần cũng cạn nước. Vợ chồng chúng tôi đứng ngồi không yên, chạy đôn chạy đáo cùng mọi người dẫn nước về đồng" - ông Tuấn kể về những ngày cùng bà con tìm nước cứu ruộng.
Đoán trước tình hình nắng hạn sẽ còn kéo dài, phải tự cứu chính mình, ông Tuấn cùng bà con nông dân trong ấp đã nhanh chóng đắp đập trữ nước ở các con kênh lớn, rồi sử dụng nhiều máy bơm để dẫn nước vào các con kênh nội đồng. Tuy nhiên, nguồn nước ở các con kênh vốn đã cạn kiệt từ lâu, cộng với thời tiết nắng nóng, nên khi nước về đến ruộng thì cây lúa cũng đã chết khô.
Ngày nước về thì lúa đã chết khô
Thiếu nước tưới tiêu, nên các cây nông sản khác, cũng chịu cùng cảnh ngộ với cây lúa.
Ao hồ nước ngọt ở những địa phương thuộc tỉnh miền Tây cũng đều cạn nước từ lâu.
Các con kênh vốn luôn đầy ắp nước, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chủ yếu cho người dân ở Miền Tây nay cũng đã cạn đáy. Ghe thuyền được dịp nghỉ ngơi vì không thể di chuyển đi đâu được. Người ta vẫn không dám tin rằng, vùng sông nước, trên bến dưới thuyền này lại có lúc khan hiếm nước như thế.
Những chiếc máy bơm do nhà nước hỗ trợ cung cấp nước cho đồng ruộng cũng đều ngưng hoạt động vì nguồn nước đã không còn.
Còng lưng cứu đất
Tình trạng nhiễm mặn cũng đang ở mức báo động ở các địa phương phía Đông khu vực miền Tây. Người dân ở các địa phương ra sức ngăn đập, chặn dòng, để ngăn tình trạng nước biển xâm nhập, tuy nhiên vẫn không cứu vãn được tình hình. Người dân vốn đã thiếu nước ngọt để sinh hoạt, nay khó lại càng thêm khó.
Dưới cái nóng gay gắt của miền đất nắng hạn, ông lão 75 tuổi cặm cụi dùng tay đào từng nắm đất để dẫn nước ra khỏi cánh đồng. Ông Được nói với chúng tôi: "Tui phải tranh thủ dẫn nước ra khỏi đồng, vì nước bị nhiễm mặn rồi, để lâu ngày cây lúa sẽ chết. Với lại nếu để nước thấm vào đất sẽ bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, vụ sau làm là cực lắm".
Dù tuổi cao sức yếu nhưng vì miếng cơm manh áo của hai vợ chồng già, ông Được vẫn phải cố gắng cứu ruộng lúa của gia đình.
Mảnh đất Gò Công Đông chịu ảnh hưởng nặng nề hiện tượng nước biển xâm nhập do nằm tiếp giáp với biển. Các con kênh cung cấp nước cho đồng ruộng bị nước biển xâm nhập khiến nguồn nước bị nhiễm mặn, người nông dân cũng vì thế mà lâm vào tình trạng khó khăn.
Ông Được tự tay đào từng nắm đất để đưa nước ra khỏi đồng ruộng.
Chính vì vậy mà ông Được phải nhanh chóng dẫn nước ra khỏi ruộng để cứu cây lúa và cứu đất. Hạn hán kéo dài cộng với nhiễm mặn ngày một nghiêm trọng, người nông dân như ông Được hết còng lưng cấy lúa, giờ lại còng lưng cứu lúa mà vẫn đau đáu một nỗi lo không biết liệu vụ mùa này có đủ tiền công hay không?
Thức đêm, vượt hàng cây số để hứng từng giọt nước sạch
Tạm biệt những cánh đồng và những người nông dân lam lũ, chúng tôi đi sâu vào những ngôi làng đang phải vật lộn với mối lo thiếu nước. Hơn một tháng nay, người dân ở ấp Cầu Xây và Xóm Rẫy thuộc tỉnh Tiền Giang đứng ngồi không yên vì không có nước ngọt để sinh hoạt.
Nguồn nước ngọt khan hiếm đang khiến hàng trăm hộ gia đình ở huyện Gò Công Đông lao đao trong sinh hoạt từng ngày.
"Gia đình tui bình thường vẫn dẫn nước từ con kênh trước nhà lên dùng, mấy tháng nay nước kênh cạn dần, còn bị nhiễm mặn, đóng phèn, tắm thì ngứa, nổi ghẻ, nấu ăn cũng không được. Nước mưa tích trữ từ năm trước cũng đã hết rồi. Thiếu cái gì chứ thiếu nước thì làm gì cũng khó" - chị Liễu chia sẻ.
Các con kênh vốn là nguồn cung cấp nước chính cho người dân ở miền Tây nay đã cạn kiệt. Đồng thời hiện tượng nhiễm mặn cũng khiến nguồn nước không thể sử dụng được.
Những ấp lân cận, tuy cũng rơi vào cảnh thiếu nước, nhưng không đến nỗi trầm trọng như ấp Cầu Xây và Xóm Rẫy, nên người dân lập ra những cột nước công cộng để dân nghèo không mua được nước có thể đến lấy nước về sinh hoạt. Trong gian khó, người miền Tây vẫn luôn san sẻ cho nhau để cùng vượt qua.
Thế nhưng, việc san sẻ nguồn nước lúc này cũng như "là rách đùm lá rách", nguồn nước vốn đã cạn, nên người dân dù phải vượt hàng cây số để đến lấy nước, nhưng có khi chỉ hứng được một thùng nước nhỏ, hoặc đi về mà không có giọt nước nào.
Những cột nước công cộng hiếm hoi được người dân và chính quyền địa phương lập ra để giúp đỡ cho những hộ gia đình không có nước sinh hoạt.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Liễu (ấp Cầu Xây), có 4 nhân khẩu, hàng ngày hai con phải đi học, chồng chị Liễu đi làm trong công ty, nên chị phải tranh thủ thời gian để đi hứng nước về sử dụng. "Nhiều hôm đem thùng nước tới để đó, đi chợ quay lại nước vẫn chưa đầy thùng, phải ngồi đợi hai ba tiếng đồng hồ mới được 2 thùng nước chở về nấu ăn với tắm rửa" - chị Liễu kể.
Để hứng được 1 thùng nước, chị Liễu phải đợi hàng giờ đồng hồ, bỏ công ăn việc làm để có nước cho gia đình.
Nhiều hôm đến chỗ hứng nước mà thấy gần chục người đang đợi thì chị Liễu tự động đi về vì biết không biết bao giờ mới tới lượt mình. Gia đình chị Phạm Ngọc Trang (ấp Xóm Rẫy) cũng có hoàn cảnh tương tự, chị kể: "Quần áo giờ chất đống ở nhà, vì không có nước giặt. Mỗi ngày hứng được vài can nước thì chỉ đủ cho việc nấu cơm với tắm thôi. Có hôm thức tới 1h khuya để ra hứng nước, vì nghĩ đêm nước chảy mạnh, mà vẫn phải đợi cả tiếng mới được 1 can. Đôi khi nước còn hơi mặn mặn, nhưng cũng phải dùng chứ biết sao".
Chị Trang cùng hàng trăm hộ trong ấp ngày nào cũng lo lắng về việc thiếu nước.
Chị Trang buồn rầu quay ra chào chúng tôi rồi vội vã chở nước về nhà. Mấy ai nghĩ rằng, ở cái xứ sở kênh rạch chằng chịt này lại có ngày con người ta phải khốn đốn vì thiếu nước ngọt. Ngoài kia, những cánh đồng cháy vàng vẫn xào xạc, xác xơ như lời ai oán của những con người lam lũ nơi đây.
Những giọt nước ngọt hiếm hoi được chính quyền địa phương cung cấp cũng đã cạn dần.
Đợt hạn hán lịch sử đã và đang từng ngày thách thức cuộc sống những con người lam lũ nơi đây.
Thiên nhiên hà khắc với người dân quê tôi quá! Lòng tôi chợt dâng lên mấy câu hát: "Còn một trái tim ai ơi nhớ lại miền Tây. Nhiễu điều mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường".
Theo kenh 14.vn
Theo kenh 14.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét